Trào lưu Flashmob, tình trạng nữ sinh đánh nhau ngày càng trở nên nghiêm trọng, hay những clip hành hạ thú vật dã man... đó là những sự kiện - vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến đời sống teen Việt trong năm qua.
1. Flashmob - trào lưu khiến teen mê mẩn hè 2010
Đến bây giờ cụm từ “flashmob” hẳn đã trở nên quá quen thuộc đối với teen mình phải không nào? Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2003 ở New York, cho đến nay flashmob đã phát triển rộng khắp trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không nằm ngoài “cơn bão” này. Những điệu nhảy ngẫu hứng, những động tác đơn giản đầy khoẻ khoắn, cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, kết bạn… là những lí do teen Việt yêu thích flashmob. Những buổi trình diễn flashmob nổi bật trong năm vừa qua có thể kể tới: clip đồng diễn của Amsers dưới sân trường trong “Ngày Hội Anh Tài”, màn nhảy của 200 bạn trẻ Sài Gòn tại công viên 23/9 trước cổng chợ Bến Thành, biểu diễn flashmob kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội…
Nhảy flashmob
Và không thể không nhắc đến vụ “clip teen Hà Nội lạy thú bông” gây xôn xao trên mạng vào tháng 7, khiến người chứng kiến và người xem đều thấy sốc. Hầu hết ý kiến của mọi người đều cho rằng đó chỉ là một hình thức biến tướng của flashmob mà thôi, và chính người đứng đầu hội “Improv Everywhere Hanoi” - tác giả của clip này - cũng đã đứng ra xin lỗi mọi người. Sau sự kiện này thì mọi người đã hiểu rõ hơn về flashmob, hi vọng trong năm 2011 flashmob sẽ được tổ chức nhiều hơn, với quy mô lớn hơn để trở thành sân chơi bổ ích cho giới trẻ.
Ảnh cắt từ clip "Lạy gấu bông"
2. Clip nữ sinh đánh nhau, lột xé áo ngày càng nghiêm trọng
Nếu gõ từ khoá “nữ sinh đánh nhau” trên Google, chỉ sau 0.11 giây bạn sẽ nhận được một con số kết quả đáng giật mình! Hết “Nữ sinh đánh nhau, lột áo, cắt tóc bạn dã man” ở Quảng Ninh, “Hai nữ sinh Hà Nội đánh nhau”, rồi “Rùng mình nữ sinh rạch mặt nhau” ở TPHCM… có thể thấy tần suất của loại clip này ngày một nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhẹ nhất thì chỉ là chửi bới với những ngôn từ thiếu văn hoá do không vừa ý nhau, do một cái “nhìn đểu”; nặng hơn thì đánh đập, xô xát, rồi xé quần, lột áo; nghiêm trọng nhất là dùng vũ khí để gây tổn thương cho cơ thể nạn nhân. Điều đáng buồn là những người ngoài cuộc không hề can ngăn, có những trường hợp còn đứng cổ vũ reo hò bạn mình, quay clip để tung lên mạng...
Nữ sinh Quảng Ninh đánh nhau
Đây có thể coi là một dấu hiệu của sự tha hoá tinh thần ở giới trẻ, và cách giải quyết không gì khác là sự gắn kết và hỗ trợ từ phía gia đình, nhà trường và chính bản thân teen mình với nhau. Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2010 có câu “Trình bày suy nghĩ về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay” đã gây ấn tượng với thí sinh, vì teen mình hiểu rằng bố mẹ, thầy cô đều quan tâm đến vấn đề này, và muốn chúng mình hiểu và xây dựng một đời sống tinh thần tốt đẹp, lành mạnh nhất.
3. Sự kiện teen boy 17 tuổi ở Hà Nội qua đời do bị ô tô điên đâm
Cuối tháng 9, dân tình trên Facebook truyền nhau đường link tới một page có cái tên lạ: “Xin hãy đòi lại công bằng cho em Thắng”. Page được lập ra bởi chị gái của một em trai tên Thắng, 17 tuổi, bị xe điên đâm phải và chẹt qua người khi bạn đang đi trên đường tại Hà Nội vào một buổi tối, và đã qua đời ngay sau đó. Đọc những dòng chữ đầy đau đớn và uất ức của chị gái Thắng: “Lúc tên Trí đâm vào em tôi, em tôi ngã trước mũi xe, không những không xem xét người bị nạn, hắn còn đang tâm chèn qua người em tôi và chiếc xe máy để bỏ chạy”; “Vì hành động dã man của hắn, em tôi đã phải bỏ lại gia đình, bạn bè ra đi trong đau đớn lạnh lẽo, giây phút em đau đớn sợ hãi nhất cũng ko có người thân bên cạnh”…, teen nào cũng cảm thấy xúc động và xót xa, đồng thời cộng đồng mạng cũng dấy lên một làn sóng phẫn nộ. Chỉ trong 24h đồng hồ, trang này đã có 8000 người like và đòi lấy lại công bằng cho bạn.
Facebook của Cao Xuân Thắng luôn nhận được sự chia sẻ của cộng đồng mạng
Cuối cùng, các báo chí và phương tiện truyền thông đã cùng góp sức để vụ án được điều tra lại và bạn Thắng có thể ra đi thanh thản. Sự kiện này không chỉ giúp lấy lại công bằng cho một nạn nhân tội nghiệp, mà còn chứng tỏ rằng cộng đồng teen trên mạng rất có lòng vị tha, biết phẫn nộ trước cái xấu và đấu tranh đến cùng để có được lẽ công bằng.
4. Những clip hành hạ thú cưng vô cùng man rợ
Tháng 9 năm nay, cộng đồng mạng trên khắp thế giới bức xúc vì hành động vô cùng độc ác này trong một đoạn clip dài 44s, quay lại cảnh một teengirl ném 6 chú cún con tội nghiệp xuống dòng sông chảy xiết. Mặc cho những chú cún con kêu thảm thiết khi bị ném đi, cô gái này vẫn không hề xúc động, thậm chí còn hét “Woooo” rất to.
Nữ sinh Trung Quốc giết thỏ!
Tháng 10, các cư dân mạng lại “choáng” khi một teen boy ở Anh thản nhiên rêu rao trên Facebook về việc hành hạ dã man một chú mèo. Khi mèo Oliver đang đi dạo trên con phố gần nhà, cậu ta đã đánh đập Oliver đến mức vỡ xương hàm và một vài chỗ ở xương sườn, bị thương nặng, mất máu và đã không qua khỏi. Không những thế, cậu ta còn viết status: "Cảm giác khi ném con mèo xuống đất thật là bệnh. Hahaha”
Chưa hết bức xúc với 2 vụ việc trên, teen lại bàng hoàng và phẫn nộ khi clip ghi lại cảnh một nữ sinh Trung Quốc dùng tấm kính đè chết một chú thỏ được tung lên mạng vào cuối tháng 11. Sửng sốt hơn, khi tấm màn đằng sau vụ việc này được vén lên, người ta phát hiện không chỉ cô gái này mà có cả một nhóm người có sở thích là tra tấn thú vật. Họ bạo hành các con thú nhỏ đến chết, rồi quay clip, ghi đĩa và bán để kiếm tiền.
Phần lớn phản hồi của teen Việt trước hàng loạt những hành vi man rợ này đều là “ghê tởm”, thấy “dã man” và “không còn tính người”, nhất là khi nạn nhân lại là những động vật bé nhỏ và không có sức phản kháng. Thử tưởng tượng xem, nếu chú cún yêu hay bé mèo cưng của bạn bị hành hạ và đánh đập như thế, bạn có chịu đựng nổi không? Bức xúc và phẫn nộ là một chuyện, teen mình hãy cùng kêu gọi bảo vệ động vật và tránh xa việc hùa theo ủng hộ những clip dã man này nhé.
5. Ghi âm lén: nên hay không ?
Đầu tiên phải nhắc đến vụ xôn xao về đoạn ghi âm của học sinh lớp chuyên Lý trường THPT Trần Phú (Hải Phòng), suốt 18’ toàn những lời lẽ nặng nề của cô giáo Anh văn đối với một học sinh trong lớp, thậm chí có lúc còn xưng “mày - tao”. Sau đó không lâu, một đoạn clip quay lén khác lại được tung lên, ghi lại cảnh cô giáo trường THPT Hàng Hải (Hải Phòng) chửi mắng học sinh. Về vấn đề này, có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra: người phê phán chỉ trích đạo đức nghề nghiệp của giáo viên ngày nay, người lại phê bình các em học sinh không được ghi âm hoặc quay lén giáo viên… Thực sự trong chuyện này, cả phía giáo viên và học sinh đều có lỗi của mình. Hai cô giáo trên đã chính thức xin lỗi, và các teen liên quan đến clip đều bày tỏ sự hối tiếc về việc mình đã làm. Sau những vụ việc như thế này, nên tìm cách để môi trường sư phạm tốt hơn, chứ không nên để tình cảm thầy trò sứt mẻ, phải không nào?
Vụ học sinh ghi âm lén cô giáo gây xôn xao cộng đồng mạng
Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến vụ ghi âm của hai thí sinh Vietnam Idol năm nay: Đức Anh và Đăng Khoa. Sự kiện này đã gây rất nhiều tranh cãi, Đức Anh có lỗi khi nói những lời lẽ không hay về người khác, nhưng việc ghi âm lén của Đăng Khoa và sau đó phát tán cho người khác cũng là một điều đáng phải xem xét. Thiết nghĩ, việc ghi âm hay không cần phụ thuộc vào hoàn cảnh của vấn đề, không thể kiểm soát hay cấm, nhưng cũng không để tự do thái quá, để việc bày tỏ chính kiến được diễn ra nhưng trong một giới hạn chấp nhận được và hợp tình, hợp lý.
Vụ lùm xùm ghi âm của Đăng Khoa và Đức Anh
5 sự kiện - 5 mặt khác nhau của cuộc sống, nhưng tất cả đều có ảnh hưởng lớn đến teen Việt năm nay. Năm 2010 sắp khép lại, chúng tớ thực sự mong muốn “Top 5 sự kiện vấn đề” của năm 2011 sẽ chỉ toàn tin tức đáng mừng về những gì mà teen làm được, nhé!